Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

                              BUỒN VUI ĐI XE BUÝT

   Sáng nay có việc, tôi đi xe buýt 103 từ Quận Gò Vấp sang Quận Tân Bình. Tại trạm đợi, có bà mẹ trẻ, tay dắt tay bồng 2 đứa con thơ. Xe tới, tôi phụ giúp bế một cháu cùng lên xe, mua vé cho họ. Khi tới nơi, tôi cũng bế cháu xuống xe. Người mẹ trẻ cám ơn. “Không có chi cháu ơi”. Một niềm vui nho nhỏ cho ngày mới. Niềm vui được nhân lên khi Lái Xe Buýt 4240 là một người dễ thương, lịch sự và nhã nhặn khi ăn nói  với khách trên xe…Trước khi xuống xe, tôi không quên nói “Cám ơn bác tài dễ thương nhé”. Không phải vô tình tôi nói lên lời cám ơn đó. Nhưng tôi ý thức rõ lời nói cám ơn của tôi như món quà, một niềm vui nho nhỏ tặng cho bác tài, như một khích lệ, trân trọng dành cho một con người tử tế.

   Tới một Văn Phòng Luật Sư ở Tân Bình để lấy giấy tờ dịch thuật, công chứng Tư Pháp theo như giấy hẹn. Gặp một nhân viên nữ 9X tại văn phòng, giao cho tôi một xấp giấy tờ mà không một lời cám ơn. Tệ hơn, không có nổi cho tôi một bao bì đựng giấy. Chỉ đến khi tôi yêu cầu, cô ta mới lục tìm được cái bao bì cũ, tôi đành nhận lấy mà kém vui. Trước khi ra về, tôi “cám ơn cháu”.Tuyệt nhiên im lặng. Tôi hụt hẫng. Buồn cho một thế hệ đi sau không còn lễ nghĩa!

  Xong việc, ra trạm đón Bus về nhà. Trái với lượt đi, lượt về là nỗi buồn trong tôi cấp số nhân. Tài xế xe 42…. Là một người thật thô lỗ, cộc cằn. Trong suốt chuyến, anh ta phơi bày hết cái bản năng xấu xa. Có một bà nhà quê lên xe, có lẽ lần đầu đi Bus, không biết qui định chuẩn bị sẵn tiền lẻ, đưa tờ 50 ngàn, thế là tài xế nạt nộ, cằn nhằn hồi lâu mới chịu lấy tiền lẻ thối lại. Bà nhà quê một phen hú vía, miệng líu nhíu “ cháu thông cảm, bác đi lần đầu”. Chưa hết, có mấy nữ sinh viên lên xe, trước khi xé vé, tài xế làm mặt hình sự, xăm soi kỹ thẻ sinh viên như tra xét tội phạm. Cái bản chất không tình người của anh tài này trở lên hung hãn hơn, có một thanh niên, có lẽ cũng từ quê lên, lần đầu đi Bus. Khi lên xe, thanh niên này vô tư, hớn hở đi một mạch xuốn cuối xe ngồi vào ghế có vẻ mãn nguyên. Tài xế nhắc mua vé, nhưng thanh niên này không hiểu. Tôi vội quay xuống giải thích cho cháu là phải lên tự mua vé. Cháu đưa tờ 20 ngàn, thế là tài xế nổi cơn thịnh nộ, mạt sát thanh niên này. Anh ta không ngần ngại, nhấn nút mở cửa xe, đuổi thanh niên xuống. Tội nghiệp cháu thanh niên chân quê không hiểu vì sao mình bị đuổi xuống xe. Rất may, có 2 Ni Cô gần đó, đổi tiền  lẻ cho cháu được ở lại trên xe…

  Tôi cũng như mấy chục hành khách trên xe không dám phản ứng gì với tài xế vô nhân. Xã hội bây giờ đầy rẫy những nhiễu nhương, chuyện bất bình…nhưng ý thức phản kháng với những xấu xa, tiêu cực của người dân Việt Nam đang bị sói mòn trước bạo lực. Đa số vì cầu an, sợ liên lụy tới bản thân, gia đình, nên đành thúc thủ, cam chịu. Buồn thay!

  Từ trạm Bus về nhà, đi qua hè phố nhếch nhác, những hàng quán bầy biện chắn hết vỉa hè, phải đi xuống lòng đường, xe cộ như nêm, đầy nguy hiểm. Biết kêu than ai?!Mệt mỏi. Buồn chán.

  Vào nhà, vội mở Laptop, nằm dài nghe những bản nhạc hòa tấu êm dịu. Xả stress. Nhưng trong tâm trí vẫn lởn vởn những chuyện quá buồn trên Bus, ngoài đường… Tự an ủi mình, thôi xã hội là một quần thể ô hợp những tốt xấu đan xen. Such is Life.
                                                                                    
                                                                                              Sài Gòn chiều Thứ Bảy




    


   

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014


          KHỞI ĐỘNG ĐẦU NĂM

   Hôm nay đã rằm Tháng Giêng, cỗ máy lao động, làm việc của đa số người Việt đã đi vào quĩ đạo chung, cũ. Người nào việc nấy. Như tổ kiến xôn xao, rộn rã sau một đêm dài mê ngủ. Bình minh thức dậy, cả bầy đàn rủ nhau vào cuộc kiếm tìm mồi ngon mới lạ. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đó là quan niệm thời xa xưa, ông cha ta còn quanh quẩn với lũy tre, ao làng. Nhưng thời nay, thời hiện đại tiên tiến; con cháu các ngài đã vượt xa tổ tiên đến ngàn dặm.

    Không khí vui tươi rộn ràng với Tết Cổ Truyền trôi qua mau, chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 ngày. Những người con xa xứ trở về xum họp cùng gia đình, trong vòng tay yêu thương cha mẹ, ông bà, thân quyến. Nhưng lại vội vàng, hối hả… giã từ mái ấm, để lao mình vào cuộc sinh kế. Mỗi người một sân chơi, một hoàn cảnh. Buồn vui lẫn lộn. Nhưng, những ngày vui Xuân đón Tết bên gia đình, có lẽ những người con ấy, đã giấu kín nỗi buồn riêng, những lo toan vất vả của kiếp tha phương cầu thực, để cha mẹ an lòng.

   Đẹp thay, những tấm lòng người con thảo hiếu. Những chuyến xe sau Tết ngược xuôi khắp miền đất nước, chở những người con ấy trở lại chốn chợ đời bôn ba khắc nghiệt. Chợ đời là chốn tranh cơm, giành áo. Khó có nhịn nhường như nơi mái ấm gia đình. Những món quà, đồng tiền con mang về biếu mẹ cha, có khi là những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt tủi nhục...

   Thương thay, trên những chuyến xe khách đường xa, từ các tỉnh đổ về thành phố sau Tết. Tôi thấy có những đôi mắt đượm buồn của những người trẻ. Qua đôi mắt ấy, tôi có thể đọc được những ưu tư lo lắng, trăn trở về tương lai bấp bênh trước mặt họ!

    Bánh xe Năm Mới Giáp Ngọ 2014 đã khởi động. Tận sâu thẳm lòng tôi, tôi cầu mong và hy vọng cho những người con xa xứ, đang bôn ba nơi chốn thị thành, được gặp may lành trên bước đường mưu sinh. Tôi yêu thương các bạn. Tôi trân quí những giọt mồ hôi lao động của các bạn. Ước mong sao những giọt mồ hôi lương thiện, chân chính đó được đáp đền tương xứng. Hố ngăn cách giàu nghèo không còn quá cách biệt.

                                                                                       Rằm Tháng Giêng Giáp Ngọ 2014
                                                                                                             HMG