Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014



                         Merry Christmas   
                                Happy New Year  2015                  



   Bạn Đọc Thân mến! 

               Nhân Mùa Lễ Chúa Giáng Sinh và đón chào Năm Mới 2015
              Hoài Mặc Giang xin mến chúc Quí Bạn Đọc, Gia đình Một NOEL
              Vui Tươi Rộn Rã   Một Năm Mới Thân Tâm An Lạc. Vật chất đủ đầy.
             Sớm đạt được những ước mơ tốt đẹp cho bản thân và gia đình…

           Hoài Mặc Giang chân thành cám ơn tất cả bạn đọc, trong năm qua đã ghé đọc Tâm Sự Một Dòng Sông với số lượt truy cập rất đáng khích lệ cho người viết: Anh chị em, các cháu Fb ghé thăm gần 5 nghìn. Google+ gần 40 nghìn. Mặc dù vì sức khỏe không cho phép HMG viết thường xuyên, đều đặn. Nhưng mỗi khi có bài mới, Quí Bạn Đọc đã ưu ái ghé thăm cùng chia sẻ. Như các bạn thấy đó, Tâm Sự Một Dòng Sông, hình thức mộc mạc. So với một rừng Blog khác, Blog của HMG chẳng có gì “bắt mắt”. Tầm chẳng có. Có lẽ chỉ có cái Tâm. Qua mỗi bài viết, là những trăn trở, thao thức…mà HMG muốn gửi tới Quí Bạn Đọc một gợi mở, để cùng gạn đục khơi trong cái dòng đời hỗn tạp, chân giả lẫn lộn…Một chút thôi, như bụi phấn, như hạt cát bé nhỏ, HMG xin dâng cho đời cái Tâm chân thành. Xin làm nốt nhạc bé nhỏ cho trường ca cuộc sống thêm Chân Thiện Mỹ. Cùng với các bạn, chúng ta thắp lên một đốm lửa, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Như thế cũng là hạnh phúc và mãn nguyện cho HMG lắm.

      Cám ơn tất cả mọi người đã ban tặng hạnh phúc đó cho HMG, mỗi khi ghé thăm Tâm Sự Một Dòng Sông. Cuộc đời vẫn đẹp sao! Quán trọ trần gian vẫn cho ta nuối tiếc, nếu phải nói lời chia tay. Bởi, ở đó, vẫn còn những yêu thương, những nụ cười bên cạnh dòng nước mắt khổ đau. Hơn nữa, nơi từng quán trọ trần gian, vẫn luôn có đôi bàn tay huyền nhiệm của Chúa Giáng Sinh, sẵn sàng nâng đỡ ta mỗi khi trái gió, trở trời, nếu ta biết tín thác và trông cậy vào NgàiThân mến!

                                                                                                  Noel 2014
                                                                                              Hoài Mặc Giang
         

      

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

                                     TỪNG PHÚT SỐNG
Đừng khép môi tươi, ngân hà sẽ tối!
Đừng mắt nhắm hiền, suối hết ngọt trong
Dậy đi anh! đem đông về muôn lối
Chia cho người chút lửa sưởi ấm lòng
Đừng để hôm nay dài theo giấc mộng
Lạc thú, mềm như gối lụa thêu hoa
Danh thơm, tựa lưới mượt mà nôi võng
Sẽ ru hồn mình êm ái sa đà
Rồi ngày mai…sẽ đổi thay tất cả
Và đời người…sẽ dang dở ước mơ
Như cơn mưa chẳng ngại trời nắng hạ
Hãy vững lòng trước mọi sự bất ngờ!
Dậy thôi anh! thời gian đang gõ cửa…
Mang ấm êm, đi cùng tuyết lạnh gầy
Sẽ gặp Người đang khốn cùng ở giữa
Những kẻ xanh xao cơ khổ, lất lây
Mỗi phút giây của đời người rất đẹp!
Hãy quý yêu từng phút sống cho nhau
Lòng sẽ rộng hơn núi sông trùng điệp
Bởi luôn yêu thương, tỉnh thức, nguyện cầu
           Thanh Hương, mùa vọng 2014



Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014



                              THẢM KỊCH LỚN NHẤT?


   Thuở còn trai trẻ, khi bước vào ngưỡng cửa cấp 3, tôi đã bắt đầu mê đọc sách Triết, nhất là vào lớp 12. Ngày xưa, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa gọi là lớp Đệ Nhất, học sinh bắt đầu làm quen với những giờ học (tiết) nhập môn về triết học.

    Trái với các bạn trong lớp, đa số rất “ngán” môn triết, với họ, môn triết là một môn học khô khan, trừu tượng. Nhưng với tôi, triết học vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, vì nhà nghèo, tôi không có nhiều cơ hội để tới trường lớp thường xuyên như các bạn. Vừa đi làm vừa đi học. Ngay cả khi học Trung học lẫn Đại Học, tôi phải theo những lớp học Hàm Thụ ( Đào Tạo Từ Xa). Cái học của tôi là một quá trình tự học…Xuyên suốt quá trình đó, đọc sách là một đam mê lớn. Có chút tiền dành dụm, là tôi mua sách ngay. Có lần, nghỉ hè về quê thăm gia đình, hành lý mang theo là mấy quyển sách triết dầy cộm. Mẹ mắng vốn tôi: “Mày là con mọt sách”. Vâng, Mẹ ạ. Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Không biết phúc hay họa khi con trai của mẹ mê triết? Thời gian ấy, đã có những tháng ngày, con trai mẹ gần như có dấu hiệu của sự gàn gàn dở dở, muốn nổi loạn với chính mình và với tất cả…Cũng may, đó chỉ là cơn biến động nhất thời của tâm sinh lý đứa con trai mới lớn, chuẩn bị bước vào thế giới nhân sinh quan bao la, rộng lớn.

   Trong mớ sách Triết tôi mê nhất có sách của Phạm Công Thiện… Nietzsche và đặc biệt nhất là sách Phân Tâm Học của Sigmund Freud…Có một câu của S.Freud: “Thảm kịch lớn nhất của nhân loại là thảm kịch về tình dục”. Tôi nhớ mãi tới hôm nay.

     Sau biến cố năm 1975, gác lại bút nghiên. Tôi lao vào một khúc quanh mới đầy khắc nghiệt tranh cơm, giành áo. Cái mớ kiến thức lẫn một đống sách triết, đành vô hình trung bị vùi sâu vào thời cuộc, không đáng giá một lon gạo. Một củ khoai, một củ sắn còn có giá hơn cái đống sách hỗn độn kia. Ô hô, triết lý là cái quái gì, so với cái bao tử thét gào cơn đói?

     Tuy nhiên, thưa quí bạn đọc. Giờ đây, hôm nay, sau gần 40 năm. Sau những giập vùi, “te tua” bởi những định lý sống, thì, cái định lý của S.Freud ấy đang trỗi dậy mạnh mẽ một cách thuyết phục, qua những gì tôi lắng nghe và trải nghiệm. Xin thưa, đây không phải là một bài viết chuyên đề về Triết Học. Bởi tôi không đủ trình độ, khả năng làm điều đó. Ngay cả Phân Tâm Học, dù rất yêu thích, tôi cũng chỉ mới chạm vào bằng những ý niệm bé nhỏ. Bài viết này, như những câu chuyện đời tản mạn, góp nhặt từ thực tế cuộc sống. Nay tuổi về chiều, ngồi chiêm nghiệm, nhìn lại những gì đã kinh qua bằng đôi tai, đôi mắt để chia sẻ, khơi gợi đôi điều cùng bạn đọc già trẻ gần xa. Biết đâu lại giúp được phần rất nhỏ, cho ai đó tránh lăn đổ vào vết xe cũ. Thoát được cái  trượt trơn của ngõ tối cuộc đời. Nhất là giới trẻ.

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

                   THUỞ ẤY

                            Thuở ấy, tôi đi. Mẹ sinh ra, cho tôi làm người.
                            Bước ra khỏi lòng mẹ, là có ngày bước về với đất
                            Bước đi là bước về đó con ơi.
                            Thuở ấy, cái chiều mưa giông vần vũ khắp bầu trời quê mẹ
                            Tôi cùng đàn bò tắm ướt dưới cơn mưa
                            Không sợ hãi. Nhưng trầm mình trong cái thú cô đơn.
                            Tôi hạnh phúc, chạy nhảy giữa cánh đồng, đầm lầy ngập nước
                            Thuở ấy tôi ơi 14, 15 tuổi xanh



                   Bây giờ:

                       VÔ THƯỜNG
              Tôi đi thuở ấy hoang vu
             Có ai ngóng đợi tôi về dưới trăng
                 Ô kia cái bóng vô thường
            Đợi tôi kiếp trước trên đường phiêu du

                                         Tôi đang đi bên đời hưu quạnh…
                                                Có ai đợi tôi về dưới trăng?
                                                      Những ngày cuối năm 2014
                                                                                                                                                                                                                                                               HMG   

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

                        

                                  MÙA THU...TRONG MỘNG     

   Không biết tại Trời hay bởi tại tôi, từ thuở thiếu thời, khi vừa đủ nhận biết ra sự tương quan giữa con người và vũ trụ...Tự nhiên trong tôi có một sở thích ưa nhìn ngắm thiên nhiên quanh mình. Với trời, tôi thích chiêm ngưỡng cảnh bình minh rực rỡ dưới ánh mặt trời tỏa sáng. Tôi yêu thích cảnh hoàng hôn hơn, với những gam màu tối huyền hoặc. Tôi say mê ngắm nhìn ánh chiều tà, từ màu vàng nhạt cho tới khi chuyển hẳn sang màu tím ngắt. Với đất, tôi ưa ngắm nhìn cỏ cây hoa lá, núi non sông nước…


  Lớn hơn một chút, khi cắp sách tới trường, tôi mới hiểu rõ hơn ngôi nhà mình đang sống là trái đất, có 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Thuở ấy, trong đầu cậu bé trường làng đã thêm tò mò lẫn thêm trí tưởng tượng về 4 mùa. Nhưng mãi về sau, tôi mới biết không phải tất cả mọi vùng miền trên thế giới đều có 4 mùa rõ rệt. Chẳng đâu xa, như quê hương Việt Nam mình, miền Bắc thì có 4 mùa rõ rệt. Nhưng trong Nam chỉ có 2 mùa mưa, nắng. Tôi sinh ra ngoài Bắc, nhưng chưa đầy 3 tuổi cha mẹ đã bồng bế tôi vào Nam năm 1954. Thế là, tôi không được nhìn ngắm, trải nghiệm những cung bậc khác nhau của 4 mùa trên xứ Bắc. Đặc biệt là mùa Thu. Nghe nói mùa Thu Hà Nội đẹp lắm. Đất nước thống nhất đã gần 40 năm, vậy mà chưa một lần cảm nhận được Mùa Thu Hà Nội. Tiếc thay!

   Cho đến bây giờ, tóc đã muối tiêu, Mùa Thu vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi. Cũng may, mình còn may mắn, có chút khả năng truy cập Internet. Tha hồ lướt Web. Chỉ cần vài thao tác, là Mùa Thu đã hiện ra trên Google. Say sưa mà chiêm ngắm lá vàng rơi. Thả hồn vào cái man mác buồn của Thu. Ôi Mùa Thu! Thu Paris, Thu London. Thu Whashington. Thu Moskva. Thu Tokyo....Mùa Thu ngập trong lòng ta!


   Nhưng Thu ơi, chưa một lần Thu hiển hiện trước mắt ta một cách trọn vẹn. Tháng 7 vừa qua, khi đặt chân tới Tây Úc, đã cuối Mùa Thu. Thu đã tàn. Chỉ còn xót lại đâu đó một vài cây xơ xác cành,  rất ít lá vàng còn vương dưới đất. Mấy hôm trước, con trai đang du học ở London gửi mấy tấm hình Mùa Thu  về cho bố, vì  biết bố yêu Mùa Thu...Ôi Thu  London đẹp đến “chết người”! Ước gì bố được đi giữa Mùa Thu London như con, có lẽ hồn thơ bố sẽ tan chảy theo từng bước chân, khi đi qua những hàng cây trút lá.

    Ôi, Mùa Thu...nỗi nhớ khôn nguôi. Thu chỉ có trong mộng tưởng. Nhưng thôi, con đi qua Mùa Thu London, cũng như bố đang bước đi qua Mùa Thu London vậy. Bởi, bố biết chắc rằng, con cũng yêu Mùa Thu như bố.










Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

                     

                                                          CÔ LÁI ĐÒ TRÊN SÓNG FM

   Vài năm trước, giữa đêm khuya nơi một vùng quê, tình cờ nghe được bài hát Tiền Chiến phát ra từ chiếc máy radio cũ kỹ. Vốn là người mê nhạc vàng, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Thì ra, đó là một chương trình ca nhạc trên  làn sóng vô tuyến FM của Đài Phát Thanh Thành Phố Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên tôi may mắn biết đến “Khúc Nhạc Tình”. Một chương trình ca nhạc dành cho những người thuộc thế hệ trung niên và cả những U60, U70…Từ đó đến nay, Khúc Nhạc Tình như người bạn tri kỷ không thể thiếu vắng trong đời sống tinh thần của tôi.

   Không hẹn lại đến, mỗi đêm thứ 2,4,6 hàng tuần. Như một nỗi nhớ khôn nguôi, tôi chờ đợi kim đồng hồ chỉ 22h để bật máy, rồi trầm mình vào một cõi riêng đầy mộng mị theo người dẫn chương trình, Hà tuyên. Không biết chương trình có từ bao giờ. Điều đó với tôi không quan trọng. Nhưng qua những gì mà chương trình truyền tải tới người nghe, không riêng gì tôi, có lẽ tất cả những ai theo dõi, lắng nghe Khúc Nhạc Tình đều có cảm thụ chung, đó là một chương trình ca nhạc chất lượng và sâu lắng nhất.


  Khi người ta đam mê điều gì, thì tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích.  Từ thuở còn thanh niên, tôi đã mê dòng nhạc trữ tình, lãng mạn. Âm điệu lẫn ca từ của từng ca khúc luôn làm tâm hồn tôi thăng hoa ngây ngất. Trước năm 1975, tôi cũng đã từng say mê những chương trình ca nhạc giống như Khúc Nhạc Tình của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Bẵng đi mấy chục năm sau ngày thống nhất đất nước, vì cơm áo gạo tiền tôi đã chẳng còn tâm trí lẫn cơ hội được tiếp cận với niềm đam mê cố hữu…Và như một cái cơ duyên mang lại vào đêm khuya đó, tôi trở thành một tín đồ trung thành của Khúc Nhạc Tình. Khổ thân cho lão tín đồ già ẩn tu nơi miền quê heo hút, lại sở hữu cái “đài” cũ kỹ “Made in China”, nên mỗi đêm nghe Khúc Nhạc Tình, phải ghé sát tai vào cái loa đài xen kẽ nhiều tiếng rè rè khó chịu. Tâm hồn đang bay bổng, bồng bềnh thì cảm xúc bị đứt quãng vì máy mất sóng. Để khắc phục, lão tín đồ leo lên mái nhà “lắp đặt” thêm cái anten phụ, chất lượng khá hơn một chút. Đêm nào mưa giông thì tôi ơi đành ngậm ngùi nghe mưa rơi thay cho KNT!

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

                                       NỖI ĐAU...

  Nỗi đau ai mà chẳng có. Không ai tránh thoát được nỗi đau. Có nỗi đau từ hậu quả bản thân gây ra. Có nỗi đau từ tha nhân mang lại. Nhưng, có một nỗi đau như vô hình từ tâm thức, chợt hiện ra trong ta như áng mây u ám khó diễn tả. Trong tôi đang có một nỗi đau như thế.

   Tôi mới có một chuyến đi xa. Bước ra khỏi lũy tre làng Việt Nam có 4 ngàn năm Văn Hiến. Tôi đặt chân đến Singapore và Australia , 2 quốc gia mới chỉ có lịch sử vài trăm năm lập quốc. Với thời gian 3 tháng sống nơi xứ người, tầm nhìn được mở rộng, có thêm những cảm nhận về đất nước con người nơi xứ sở văn minh tiến bộ…

   Singapore, một quốc đảo bé nhỏ, dân số 5,5 triệu. Một con rồng Châu Á. Một địa danh trên bản đồ thế giới, ai cũng biết tới. Người dân  Singapore nổi tiếng là một dân tộc giữ gìn môi trường xanh sạch nhất thế giới. Còn Australia, được mệnh danh là thiên đường Úc đại Lợi, không ngoa chút nào. Dù mới đi tham quan một phần rất nhỏ xứ sở Kangaroo, nhưng tôi có thể cảm nhận được khá nhiều về một đất nước đa chủng tộc như Úc. Cuối cùng, tôi cảm nhận được một điều rằng : người dân Úc, từ già đến trẻ, đa số, hầu như trong đầu họ không có ý niệm về gian dối, lưu manh. Đôi mắt họ thật ngây thơ, hồn nhiên như con trẻ.

   Tôi không phải là người bi quan hay vọng ngoại. Trái lại, trong tôi, luôn có một nỗi trăn trở, thao thức về Quê Hương và dân tộc mình. Từ chuyến đi này, với những gì nhìn thấy và chiêm nghiệm, tôi thấy thương dân VN mình hơn. Tội nghiệp quá, còn biết bao con người, nhiều gia đình còn sống trong cảnh nghèo khó. Mỗi khi VTV có cảnh thời sự về những vùng sâu vùng xa, nhất là nơi những tỉnh Tây Bắc, đồng bào thiểu số sống trong điều kiện qúa tồi tệ. Thật đến nao lòng, khi thấy cảnh các em nhỏ vùng núi cao ngồi ăn cơm với rau rừng, chén muối…Liệu có thể gọi đó là cơm ăn không? Đau lòng quá. Đắng chát trái tim tôi!

   Nhưng điều đau lòng hơn, có một thứ nghèo khó khác mà Mẹ Việt Nam đang phải gánh chịu. Đó là đói nghèo về văn hóa, đói nghèo nhân cách! Chưa bao giờ thấy luân thường đạo lý ở VN xuống cấp như hiện tại. Theo tôi, một đất nước đói nghèo văn hóa, thiếu nhân bản thì sẽ chẳng bao giờ trở thành một nước văn minh tiến bộ, dù kinh tế có phát triển. Có thể đổ lỗi cho hiện trạng suy đồi hôm nay tại VN là do hậu quả của mấy chục năm chiến tranh tương tàn chăng? Nhưng hãy nhìn gương Nhật Bản, sau chiến tranh, dân tộc họ đã vươn lên một cách kỳ diệu trong thời gian ngắn. Trở thành một cường quốc thứ 2 thế giới. Cả thế giới nghiêng mình bái phục. Nhưng, ngày nay cả thế giới còn biết đến Nhật Bản với con mắt ngưỡng mộ về tinh thần kỷ luật, nghiêm túc trong giao tiếp ứng xử của dân tộc họ.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014




                                 Biển Gọi

   Biển ở đâu cũng màu xanh hun hút, xa tận phương trời . Có sóng vỗ rì rào bờ cát trắng .Êm ả yên bình nếu trời lặng gió. Nhưng sẽ cuồng nộ, gầm gừ như thú dữ mỗi khi mùa giông bão…Yên bình hay cuồng phong sóng dữ, biển vẫn là lời mời gọi từ Trời Cao cho những ai đi trên sóng hay đứng trên bờ, trước một biển nước mênh mông, đầy bí ẩn và huyền diệu của đại dương. Biển gọi con người lắng đọng, trầm tư, gạn đục khơi trong lòng mình


   Mỗi khi có dịp được tới vùng biển nào đó, tâm hồn tôi lại trào dâng biết bao cảm xúc mạnh. Nhất là vào buổi bình minh ló dạng, hay một hoàng hôn tím ngắt. Việt Nam là một nước có những bãi biển đẹp, trải dài hàng nghìn cây số. Nhưng rất tiếc dân mình không biết trân trọng, gìn giữ bãi biển cho sạch. Bãi biển nào cũng đầy rác. Nhưng ở đây, bắt gặp một cái rác trên bãi biển là điều hiếm. Khi đứng bên một bãi biển nhơ nhớp, cảm xúc của ta trước biển bao la cũng bị giảm đi đáng kể. Từ Nam Bán Cầu, đứng bên bờ Floreat Beach-North Perth, mắt hướng về Quê Nhà nơi chốn xa xăm, khuất tận chân trời, tôi cầu mong sao cho thế hệ Việt Nam mai sau biết trân quí và bảo tồn thiên nhiên hơn- và thế hệ hôm nay có thêm nhiều người ‎‎nhận thức, cùng nhau chung tay gìn giữ cho những bãi biển sạch đẹp như các nước văn minh trên thế giới

   Thượng Đế đã ban tặng cho dân tộc Úc một thiên nhiên, tài nguyên tuyệt vời phong phú. Một Châu Lục bao quanh màu xanh của biển cả. Đất cũng một màu xanh. Đặc biệt người dân Úc yêu thiên nhiên, họ có sở thích trồng cây kiểng. Đất rộng người thưa, nên hầu như nhà nào cũng có sân vườn với những loài hoa, cây kiểng bắt mắt. Những Bunning bán giống hoa, cây kiểng và vật liệu chăm bón lúc nào cũng có người mua.


   Thiên nhiên như một liệu pháp tâm lý thần kỳ, có thể chữa trị con người khỏi Stress. Sẽ là nguồn năng lượng tái tạo sức sống mới, sau những ngày giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng... Đất, trời và biển cả sẽ là, mãi mãi là điều bí ẩn kỳ diệu mà con người luôn khao khát tìm kiếm, khám phá. Một kho tàng vô tận cho loài người vui hưởng.

  Biển gọi. Biển vẫn gọi đó. Biển gọi cả ngày lẫn đêm. Âm thanh rì rào của sóng vỗ vào bờ cát trắng, là những thông điệp từ Trời Cao gửi xuống trần gian cát bụi. Trái tim mỗi con người, là một bộ cảm biến để giải mã những bí ẩn và huyền nhiệm của Thượng Đế. Biển gọi. Biển vẫn gọi đó. Ta hãy biết lắng nghe biển gọi. Để nhận ra mình chỉ là hạt cát bé nhỏ, là giọt nước trong đại dương mênh mông.


   Biển gọi giữa hoàng hôn xa xứ. Tôi đã lắng nghe biển gọi. Qua tiếng sóng vỗ bên bờ cát trắng Floreat Beach, tôi  không khó để giải mã ra được Tình Yêu Thiên Chúa dành cho tôi. Ngài dẫn đưa tôi đến đồng cỏ xanh và dòng nước mát Australia. Tôi thỏa thuê tắm gội trong Ân Tình Ngài.
                             Floreat Beach 21-07-2014

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014




                          

    Hoàng Hôn Nơi Xứ Ngườ

Mandurah một chiều Đông giá buốt

Tôi đắm chìm trong nắng nhạt hoàng hôn

Ôi đẹp quá giữa trời và đất

Australia một đất nước thanh bình!                      

       


                       Sông nước êm đềm












                                                     Bầy chim thân thiện
                                                                         

                                                                

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014



                                       50 Năm-Một Giấc Mơ

  50 năm trước, khi xưa, tôi còn là cậu bé 12 tuổi nơi miền sơn cước; tuổi thơ gắn liền với dòng sông và dẫy núi Trường Sơn. Có những buổi chiều, một mình thơ thẩn nơi những con đường quê vắng lặng...Đôi mắt non nớt của cậu thiếu niên với nhiều tò mò, đầy tưởng tượng nhìn về phía chân trời xa xăm, thầm hỏi, bên kia những dẫy núi là đâu?Có những gì? Trí tưởng tượng càng trở nên mãnh liệt hơn, khi thỉnh thoảng có chiếc phi cơ bay qua bầu trời xanh thẳm, mắt cậu dõi theo bóng phi cơ cho tới  khi khuất hẳn. Từ đó, trong tôi luôn mang một giấc mơ, một khát vọng mãnh liệt được bay đi xa, thật xa nơi những phương trời mới lạ.


  Hôm nay, sau 50 năm, giấc mơ của cậu bé đã hiện thực. Chiếc may bay đưa tôi  đi hôm nay, không phải là chiếc máy bay trong tưởng tượng, nhưng là chiếc Airbus 300. Tôi đã đặt chân tới thành phố Perth-Western Australia. Quả thật, nơi đây có những điều mới lạ và kỳ thú, dù cho bạn có giàu óc tưởng tượng chăng nữa, cũng không thể hình dung ra hết những gì đã và đang diễn ra nơi đây, trừ khi bạn đặt chân đến, mới có thể cảm nhận được hết sự khác biệt của nó với quê hương bạn. Việt Nam.

   Điều đầu tiên tôi cảm nhận , đó là sự thanh bình, yên tĩnh đầy ngạc nhiên của xứ sở Kangaroo. Hệ thống giao thông thì khỏi nói. Đường xá sạch đẹp. Đan xen giữa những hàng cây , thảm cỏ xanh tươi, tạo cho người đi qua cái cảm giác an nhiên thư giãn. Ở đất nước này, có lẽ ai cũng là “bác tài”. Vì phương tiện giao thông chính ở đây là xe hơi. Nhiều như xe gắn máy ở Việt Nam. Những bác tài, dù nam hay nữ, họ thật dễ thương và lịch sự. Dù rất ít người đi xe đạp, người đi bộ băng qua đường, nhưng nếu có, lái xe nhường bạn đi qua một cách trân trọng và trìu mến. Tuyệt nhiên không thấy tiếng còi xe.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

              

               GOLGOTHA-BI KỊCH CỦA NHÂN LOẠI

   Sáng nay, có lẽ lần đầu, tôi lắng nghe Lời Chúa một cách chăm chú, trọn vẹn nhất. Qua bài trình thuật Thương Khó của Thánh Mattheu, Lễ Lá. Chỉ gói gọn trong khoảng 15 phút, nhưng lại là một câu chuyện thật dài. Một bi kịch. Chẳng có câu chuyện đời nào đầy chất bi kịch như thế. Bi kịch đến thế là cùng. Jesu là nhân vật chính, là nạn nhân của màn bi kịch ngàn đời ấy.


   Chuyện của hơn 2000 năm trước, nghe xong, tôi giật mình, cũng chẳng khác nào muôn vàn câu chuyên bi kịch mà nhân loại đang hành xử với nhau hôm nay…Giống nhau quá! Khác chăng là phương tiện và cách thức con người đáp trả nhau trong  những bi kịch mà thôi. Bản chất của bi kịch không đổi dời. Cái bản chất tráo trở của lòng người. Vẫn thế.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

                                  NIỀM VUI BẤT TẬN
    Như hàng tỉ con người đang có mặt trên hành tinh xanh này, tôi là một sinh linh bé bỏng vô cùng. Nhưng lại là một sinh linh có nhân vị thật lớn lao diệu kỳ! Càng tuổi về chiều, khi đi gần hết cuộc đời mình đang sống, tôi mới chiêm nghiệm tỏ tường: ai cũng vậy, khi mang thân phận làm người đều không có quyền chọn lựa giữa hạnh phúc và đau khổ. Đã là người, trên đôi vai luôn là 2 vế khổ đau hạnh phúc. Chạy trốn, sợ hãi khổ đau là một thất bại trên mọi thất bại làm người. Chỉ khi ta chấp nhận và đối mặt với đau khổ là khi ta bắt đầu sống.


   Thời còn trẻ, còn non yếu sức chịu đựng, có lẽ ai cũng sợ khổ đau, coi như một gánh nặng, một cực hình, một bất hạnh. Nhưng khi đã bước qua những năm tháng dài va đập với bão giông thử thách, cuối cùng, tôi nhận ra một chân lý cho riêng mình: Nỗi đau thì có hạn, nhưng niềm vui thì vô tận. Nỗi đau chỉ là nhất thời, như một chất xúc tác cần thiết cho cây đời trổ hoa. Khổ đau, đắng cay chẳng khác nào gia vị cho chén canh cơm, giúp người ta ăn thêm ngon, thêm  mặn mà. Vết thương lòng rồi cũng nguôi ngoai, sẽ như những hoa văn sần xùi mà nghệ nhân đục khoét, tạo dáng cho cây kiểng có hồn, có tiếng nói. Cái quặn đau oằn mình của thai phụ chuyển dạ là tiếng gọi của đêm đen chờ bình minh ló dạng.


   Thói thường, người ta hay cay cú gậm nhấm nỗi đau, hơn là ngồi lại mà thưởng thức những Niềm Vui Bất Tận mà Thượng Đế đang bầy ra trước mặt, quanh ta, thật gần, mà ta không cảm nhận được. Tôi cũng như bạn, đôi khi, trong những lúc thất vọng, thường chỉ biết nhìn vào cánh cửa khép kín, mà không biết rằng còn nhiều cánh cửa khác đang mở cho chúng ta bước qua.

   Mỗi ngày qua đi, có biết bao cánh cửa mở ra cho ta nhìn về phía mặt trời. Có biết bao niềm vui chờ ta đón nhận. Chẳng nói gì xa, cái cánh cửa thiên nhiên gần ta nhất đó. Bông hoa, ngọn cỏ, tiếng chim hót như những thông điệp tươi vui từ Trời Cao gửi xuống. Tôi kể bạn nghe, nhà tôi có một không gian sân vườn khá thú vị. Cây kiểng giá trị cao không có nhiều, nhưng cũng có những tàn cây xum xuê, đủ  cho mấy đàn chim sớm hôm bay về ca hót líu lo…Nơi không gian này, như cá gặp nước, tôi hòa mình cùng tiếng chim hót ban mai, bắt đầu một ngày mới với công việc chăm sóc cây cảnh, nhất là cái dàn hoa lan tôi đang ươm trồng. Nâng niu từng cành lan, xăm soi từng cái rễ, cái mầm đang nhú ra từ thân cây. Từng giờ, từng ngày, tôi đợi chờ cái mầm sống diệu kỳ ấy trổ thành những cành hoa rực rỡ, rạng ngời…Tôi trân quí ngắm nhìn những bông hoa lan, như một sự sáng tạo diệu kỳ của Đấng Tạo Hóa đặt để vào bàn tay con người. Tôi cảm nhận đó là quà tặng thiên nhiên vô giá mà Chúa ban. Tôi say sưa, ngây ngất trong niềm vui hoan lạc bất tận. Trong tôi, những lời ca Tạ Ơn trỗi dậy. Tôi cám ơn Trời, cám ơn Đời, cám ơn Mẹ Cha đã cho tôi làm người. Cám ơn Chúa vẫn còn cho tôi sống hôm nay, để tận hưởng những Niềm Vui Bất Tận.

    Thế đấy, Niềm Vui Bất Tận chẳng đâu xa. Rất gần. Ở ngay bên ta. Ăn thua mỗi người có nhận ra và cảm thụ?


Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

                   SOI LẠI BÓNG MÌNH

  Bốn mươi năm sau, soi lại những vần thơ tôi thời trai trẻ
   Sao thuở ấy mình buồn và cô đơn đến thế?
   Bây giờ tuổi U60, nỗi buồn, niềm cô đơn thăng hoa theo
   những cung bậc khác của buổi hoàng hôn cuộc đời, bằng
   gam màu sáng hơn…dẫu quanh tôi còn nhiều bóng tối.
     
           Sầu Nghiêng
      Bước đi một buổi chiều hoang
         Bước về nghe nặng sầu nghiêng mái hồn
         Nghìn năm giấu mặt cô đơn
         Bên thành quách cũ phai tàn thời gian

                                            1979 HMG

                    Người Thơ

            Người thơ tôi sống lưu đầy
            Vong thân từ đó héo gầy tuổi xanh
            Đường đi một bóng vắng tanh
            Bốn mùa rong ruổi một mình lẻ loi
           Túi thơ đeo đuổi bên đời
           Ghé ngang quán trọ muôn người lạ xa
           Ngày lên đêm xuống cũng là
           Một thân trơ trụi giữa bờ tịch liêu


                                           1977 HMG

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

                         PHỤ NỮ VIỆT NAM

  Phụ nữ Việt Nam muôn năm! Phụ nữ Việt Nam vĩ đại! Nhân ngày Phụ Nữ 8-3, tôi không tiếc lời, dành cho họ những lời tôn vinh như thế. Những bà mẹ, những người vợ, những người con, người chị, người em đang có mặt khắp ba miền Đất Nước.

   Họ là ai? Họ là những nhân tố tác thành nên cuộc đời mỗi người hôm nay. Không có họ, chúng ta đã không góp mặt với đời. Đó là chân lý! Có ai làm người mà không có mẹ? Chỉ việc sinh ta ra làm người, đã là vĩ đại rồi. Một kỳ công. Một huyền nhiệm. Công sinh thành đã lớn lao. Nhưng công dưỡng dục lại còn lớn lao không kém. Cưu mang chỉ 9 tháng 10 ngày. Nhưng dưỡng nuôi chăm sóc đến hàng chục năm ròng đằng đẵng. Chẳng bút mực nào diễn tả hết bản trường ca về những người mẹ Việt Nam, sớm hôm nhục nhằn nuôi con. Chẳng lời nào kể cho hết nỗi chịu đựng, kiên khổ của người vợ Việt Nam cam chịu vì chồng con, vì hạnh phúc gia đình. Phụ Nữ Châu Á nói chung, Phụ Nữ Việt Nam nói riêng, trên cái nền văn hóa, văn minh Á Đông vốn đã hằng thế kỷ chịu thân phận thiệt thòi, bất công. Việt Nam, hôm nay, sau thời kỳ quá độ, người phụ nữ đang được trân trọng, tôn vinh hơn. Một tín hiệu đáng mừng!


   Nhưng tiếc thay, đằng sau tín hiệu đáng mừng đó, lại có một mặt trái nhơ nhuốc thật đáng sợ, đáng nguyền rủa: Tội ác nạo phá thai. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới! Mỗi năm có hơn 2 triệu sinh linh bé bỏng phải tức tưởi, không được cất tiếng khóc làm người. Đó là tội ác. Chẳng khác nào tội ác chiến tranh, giết người hàng loạt. Tôi không tiếc lời ca tụng, tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, một đời hy sinh vì chồng con, gia đình. Nhưng tôi cũng không tiếc lời, cực lực lên án tội ác nạo phá thai man rợ. Tôi tự hỏi: Tại sao xã hội lên tiếng phản đối nạn bạo hành trẻ em nơi các nhà trẻ, nhưng người ta lại câm lặng trước một tội ác giết người kinh tởm như nạo phá thai. Một nghịch lý quá ghê sợ.