Các cháu nội ngoại, mỗi cháu một vẻ...luôn là
niềm vui hạnh phúc của ông bà.
ÔNG BÀ THƯƠNG
CHÁU
Thời gian gần đây, qua
phương tiện truyền thông báo đài, nhiều người đã rất sửng sốt khi biết có những
cháu bé, còn rất nhỏ bị hành hạ bởi những bảo mẫu không chuyên nơi trông giữ trẻ
tự phát. Đặc biệt, vụ 2 bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh (Quận Thủ
Đức, TP HCM), đã gây chấn động dư luận xã hội, bởi những hành động dã man như
tra tấn mấy cháu bé, được đưa lên HTV và mạng Internet ngày 16-12-2013. Cha mẹ
các cháu bé đáng thương này là những công nhân, vì nhiều lý do đặc biệt, hoặc không
có nhiều tiền để gửi con nơi những cơ sở có thương hiệu, uy tín.
Thật đáng tiếc! Giá như, những cháu bé này
có ông bà chăm sóc, trông coi thì đâu có những câu chuyện đau lòng như thế .Từ
bao đời nay, hình ảnh ông bà trông coi, bế bồng cháu là một hình ảnh đẹp. Dù ở
nông thôn hay thành thị, những mái ấm gia đình gồm 3 thế hệ không còn lạ gì với
chúng ta. Kỳ diệu lắm! Tre già thì măng mọc. Khi ta bước vào tuổi trưởng thành,
biết yêu đương, rồi sau đó, cùng nhau xây dựng một gia đình mới, sinh con dưỡng
dục chúng cho tới một ngày, chúng trưởng thành, đi vào một quĩ đạo cũ như ta, lại
một gia đình mới nữa góp mặt cùng cộng đồng nhân loại. Hôm nay, ta làm cha mẹ,
chẳng bao lâu sau đó, thời gian như cánh chim bay, ta đã làm ông bà, con cái ta
sẽ làm cha mẹ. Ôi cái vòng đời nhân thế, muôn ngàn đời xoay quanh như vậy. Khi
bước vào buổi hoàng hôn cuộc đời, có lẽ đôi khi, ai cũng thảng thốt, khi nhận
ra mình đã già, đã làm ông bà. Cuộc đời như bóng mây qua cửa sổ! Một nỗi buồn không tên của tuổi già.
Tuy nhiên, những ai đã và đang làm ông bà
như tôi, chắc hẳn đã cảm nghiệm được sự huyền diệu và ngọt ngào cái tình cảm Ông Bà Thương Cháu. Thời còn làm cha, làm mẹ, ta
thương con thế nào, thì bây giờ, ta cũng thương cháu như thế. Bởi vậy, không biết
có phải phát xuất từ tình cảm thiêng liêng như thế, nên hầu hết ông bà tại Việt
Nam, đã dùng từ Con thay vì Cháu để gọi các cháu nội ngoại của mình? Mỗi khi gọi
cháu nội ngoại của mình bằng Con, tôi thấy lòng mình hạnh phúc và ấm áp biết
bao! Tôi nâng niu, trìu mến ngắm nhìn các cháu như chính con của mình. Hạnh
phúc, sung sướng lắm, khi được làm ông bà.
Qua bài viết này, tôi muốn nhắn gửi tới những
ông bố, bà mẹ trẻ đang có những niềm vui hạnh phúc , khi có con. Tôi rất thấu
hiểu và cảm thông cái cảm giác của những ông bố, bà mẹ trẻ khi lần đầu được làm
thiên chức cha mẹ. Đứa con đầu lòng như một báu vật, là “cục cưng” bất khả xâm
phạm…Vì thế, khi có ông bà chăm sóc, ẵm bế “cục cưng”, thường có những tình huống
tế nhị xẩy ra, mà các bạn nên tránh. Em
bé khi bắt đầu chập chững tập đi, thường hay bị té ngã, có khi bầm tím thịt da,
hay xứt đầu mẻ tai chảy máu. Khi đó, vì quá “xót con”, những ông bố bà mẹ trẻ
thường hốt hoảng, có những thái độ và lời nói trách móc ông bà v.v…Xin các bạn
hiểu cho rằng: việc ông bà chăm sóc, trông coi cháu, đó là việc làm hoàn toàn
phát xuất từ tình thương. Trước hết và trên hết, ông bà làm như thế chỉ vì tình
thương thiêng liêng máu mủ. Khi có ông bà sống chung và trông coi các cháu, xin
đừng nghĩ và ứng xử với ông bà dưới góc nhìn như gia chủ với một osin. Đừng
nghĩ đó là một quan hệ “đôi bên cùng có lợi”. Ngay cả khi bạn đang có nghĩa vụ
phải bỏ tiền ra, để gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già. Xưa nay, không
ít những chuyện đáng buồn gây ra cho những người cao tuổi, khi sống chung với
con cháu, mà nguyên nhân là bởi những ông bố, bà mẹ trẻ vì quá thương con, quá
nóng vội, không kiềm chế, đã làm tổn thương cái tình thương bao la mà ông bà
dành cho các cháu! Dù bạn có bỏ ra tiền triệu mỗi tháng để chi trả cho những bảo
mẫu. Nhưng thưa bạn, không có bảo mẫu nào tốt và thương con bạn cho bằng ông
bà.
Nhân câu chuyện thương tâm xẩy ra tại trường mầm non tư thục Phương Anh, người
viết bài này muốn hướng bạn đọc cùng ngẫm suy về một góc cạnh khác. Những mái ấm
gia đình nào đang diễm phúc có ông bà chăm sóc các cháu, xin hãy biết ơn và
trân quí ông bà như một quà tặng vô giá.
Chào anh Hùng! Xin phép cùng chia sẻ với anh.
Trả lờiXóaĐiều anh viết là không sai, nếu có điều kiện nên xây dựng nếp sống "gia đình truyền thống", nơi đó ba thế hệ yêu thương và quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, thời đại bùng nổ thông tin thì lại khó lắm: Nào là ông bà chăm cháu không đúng cách, thậm chí còn dám cho đó là sự "cổ hủ". Nào là con trẻ ngày nay hiếu động hơn, chúng chơi vi tính ông bà chẳng biết đường cấm. Nào là cách sống thiếu kỹ năng, hai người còn dễ "đụng" huống hồ sống chung, chắc chắn "chung đụng" phải xảy ra ....
Còn bàn về XH, đó là cái giá phải trả cho nền GD thiếu nhân bản. Đơn cử một số đối xử giữa người với nhau xảy ra liên tục: Vợ chồng đâm chém, đốt nhau, ...; Cha mẹ giết con, ném con, ... kể cả khi nó còn quá bé bỏng; Lấy nhau chẳng đặng cũng làm khổ nhau (không ăn được thì đạp đổ); Còn nhan nhãn những vụ chỉ một lý do rất nhỏ đã đưa đến hồi kết của một án mạng; .v.v... Thế thì, việc họ đối xử tàn nhẫn với những trẻ chưa có sức phản kháng, chưa biết cáo tội là không thể tránh khỏi. Đây cũng thể hiện cái cần thiết phải làm là "đổi mới GD một cách toàn diện". "Toàn diện", thật không đơn giản chút nào!
Chúc anh cùng đại gia đình ấm cúng và tràn đầy hồng phúc trong mùa Noel!