NỖI ĐAU...
Nỗi đau ai mà chẳng có. Không ai tránh thoát
được nỗi đau. Có nỗi đau từ hậu quả bản thân gây ra. Có nỗi đau từ tha nhân
mang lại. Nhưng, có một nỗi đau như vô hình từ tâm thức, chợt hiện ra trong ta
như áng mây u ám khó diễn tả. Trong tôi đang có một nỗi đau như thế.
Tôi mới có một chuyến đi xa. Bước ra khỏi
lũy tre làng Việt Nam có 4 ngàn năm Văn Hiến. Tôi đặt chân đến Singapore và
Australia , 2 quốc gia mới chỉ có lịch sử vài trăm năm lập quốc. Với thời gian
3 tháng sống nơi xứ người, tầm nhìn được mở rộng, có thêm những cảm nhận về đất
nước con người nơi xứ sở văn minh tiến bộ…
Singapore, một quốc đảo bé nhỏ, dân số 5,5
triệu. Một con rồng Châu Á. Một địa danh trên bản đồ thế giới, ai cũng biết tới.
Người dân Singapore nổi tiếng là một dân
tộc giữ gìn môi trường xanh sạch nhất thế giới. Còn Australia, được mệnh danh
là thiên đường Úc đại Lợi, không ngoa chút nào. Dù mới đi tham quan một phần rất
nhỏ xứ sở Kangaroo, nhưng tôi có thể cảm nhận được khá nhiều về một đất nước đa
chủng tộc như Úc. Cuối cùng, tôi cảm nhận được một điều rằng : người dân Úc, từ
già đến trẻ, đa số, hầu như trong đầu họ không có ý niệm về gian dối, lưu manh.
Đôi mắt họ thật ngây thơ, hồn nhiên như con trẻ.
Tôi không phải là người bi quan hay vọng ngoại.
Trái lại, trong tôi, luôn có một nỗi trăn trở, thao thức về Quê Hương và dân tộc
mình. Từ chuyến đi này, với những gì nhìn thấy và chiêm nghiệm, tôi thấy thương
dân VN mình hơn. Tội nghiệp quá, còn biết bao con người, nhiều gia đình còn sống
trong cảnh nghèo khó. Mỗi khi VTV có cảnh thời sự về những vùng sâu vùng xa, nhất
là nơi những tỉnh Tây Bắc, đồng bào thiểu số sống trong điều kiện qúa tồi tệ.
Thật đến nao lòng, khi thấy cảnh các em nhỏ vùng núi cao ngồi ăn cơm với rau rừng,
chén muối…Liệu có thể gọi đó là cơm ăn không? Đau lòng quá. Đắng chát trái tim
tôi!
Nhưng điều đau lòng hơn, có một thứ nghèo
khó khác mà Mẹ Việt Nam đang phải gánh chịu. Đó là đói nghèo về văn hóa, đói
nghèo nhân cách! Chưa bao giờ thấy luân thường đạo lý ở VN xuống cấp như hiện tại.
Theo tôi, một đất nước đói nghèo văn hóa, thiếu nhân bản thì sẽ chẳng bao giờ
trở thành một nước văn minh tiến bộ, dù kinh tế có phát triển. Có thể đổ lỗi
cho hiện trạng suy đồi hôm nay tại VN là do hậu quả của mấy chục năm chiến
tranh tương tàn chăng? Nhưng hãy nhìn gương Nhật Bản, sau chiến tranh, dân tộc
họ đã vươn lên một cách kỳ diệu trong thời gian ngắn. Trở thành một cường quốc
thứ 2 thế giới. Cả thế giới nghiêng mình bái phục. Nhưng, ngày nay cả thế giới còn
biết đến Nhật Bản với con mắt ngưỡng mộ về tinh thần kỷ luật, nghiêm túc trong
giao tiếp ứng xử của dân tộc họ.
Nhìn người ngẫm ta mà xấu hổ nhục nhã. Có nhiều
vụ người VN ăn cắp tại Nhật trong những năm qua, làm cho bộ mặt Việt Nam càng
thêm xấu xí trên trường quốc tế. Gần đây, có không ít báo mạng lẫn báo in tại
VN, đã dành ra hẳn một chuyên mục : “Người Việt Xấu Xí”. Tôi thích chuyên mục
này. Những người viết chuyên mục phân tích rất sâu sắc. Đó là việc làm cấp thiết.
Không nhiều thì ít, mưa lâu thấm đất. Mong rằng, những tính xấu của người VN sẽ
dần biến mất, để chúng ta dám ngẩng cao đầu nhìn bạn bè khắp năm châu bằng niềm
tự hào dân tộc.
Đi ra xứ người thấy người ta tốt nhiều hơn xấu.
Về xứ mình thấy xấu nhiều hơn tốt. Đau lắm thay! Bởi vậy, khi trở về Việt Nam,
tôi rơi vào tâm trạng ngao ngán, chẳng muốn đi đâu. Ra đường thì bất an, sợ
hãi. Quanh quẩn ở nhà như con chim mắc kẹt bụi gai.
Có một câu nói lừng danh: “Bạn đừng hỏi Tổ
Quốc đã làm gì cho bạn. Nhưng hãy hỏi, bạn đã làm gì cho Tổ Quốc”. Bạn cũng như
tôi, chắc hẳn triệu người như một, đều có một khát vọng cho Việt Nam sớm có
ngày vượt lên, thoát khỏi trì trệ, luẩn quẩn trong lạc hậu so với các nước văn
minh tiến bộ. Để có một phép mầu biến Việt Nam thành Rồng, ngay hôm nay, chúng
ta hãy chung tay xây dựng Tổ Quốc bằng những việc cụ thể- dù rất nhỏ. Mỗi người
ý thức trách nhiệm cộng đồng nơi môi trường xã hội. Làm gương và không quên nhắc
nhở, gợi mở cho thế hệ con cháu chúng ta làm điều tốt. Biết nói không với cái xấu,
cái ác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét