Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016



                                                              CHÓ!


   Chó và mèo là 2 con vật mà người ta ưa thích nhất trong các loài vật nuôi trong nhà. Ở những nước phương Tây, hoặc những nước phát triển, chó mèo được nâng niu, chăm sóc, coi trọng chẳng kém nào như con người. Nào là bệnh viện thú y cho cún cưng và nàng “miu” yêu quí. Nào là những cửa hàng thực phẩm, vật dụng làm đẹp cho chúng vv….từ A đến Z. Nhiều nước có hẳn một ngành sản xuất kinh doanh nhiều lợi nhuận từ niềm đam mê thú cưng. Ở Việt Nam ta, mấy năm gần đây, khuynh hướng chơi thú cưng tăng dần, có dịch vụ chăm sóc chó mèo như bên nước ngoài. Nghe nói, ở Singapore, Hà Nội có cả khách sạn 5 sao dành cho chó mèo nữa.

   Trong 2 con vật này, có lẽ chó được người dân trên thế giới nuôi và ưa chuộng nhất. Những người neo đơn, cô độc hay tuổi già coi chó như người bạn để thủ thỉ, than vắn thở dài khi không biết than thở cùng ai! Nhưng trên hết, người ta yêu thích chó, vì nó là con vật nuôi để coi nhà. Chó cũng còn là biểu tượng của lòng trung thành. Đã không ít câu chuyện có thật về những con chó khi chủ chết, nó tìm ra mộ chủ nằm phủ phục xót thương.

   Ở Việt Nam, đáng buồn thay, chó lại là loại bị sát sinh, là món khoái khẩu của nhiều thành phần xã hội. Người nước ngoài, sẽ rất bàng hoàng xửng sốt nếu họ chứng kiến cách người VN giết mổ chó! Chuyện chó còn dài. Riêng về chuyện, trên thế giới có bao nhiêu chủng loại chó, chắc hẳn sẽ làm ta vui thích, mát nhãn, khi biết rẳng loài cún có tới hàng trăm loại khác nhau, với đủ mọi thứ hình dáng màu sắc đến lạ lùng, và phải thốt lên “ Ôi, sao Thượng Đế tài tình đến thế!”

   Nhà tôi cũng nuôi 2 chú cún. Khi đi đâu về, nhất là sau một chuyến đi xa trở về, thấy bóng chủ, mấy cục cưng nhẩy cẫng, vẫy đuôi mừng như “ lâu lắm mình mới gặp nhau”. Bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Bước vào nhà mà lòng thư thái, nhẹ nhàng.


   Tuy nhiên, lạ thay! Tại sao, chó là loài dễ thương đến thế, nhưng tại Việt Nam, khi cãi nhau, người ta hay dùng từ chó để mắng nhiếc, xỉ vả nhau: “ Mày là đồ chó”, “ Mày khốn nạn như chó” “Mày đểu như chó”vv…   Đã có thời gian, tôi cứ tự hỏi tại sao vậy nhỉ? Sao lại có chuyện nghịch lý như vậy?

   Thì ra, thế này bạn ạ. Tôi quan sát 2 con chó lai berger nhà mình. Tôi mua cặp chó này từ nhỏ, cùng một mẹ đẻ ra. Tất nhiên nó rất thân thiết, gắn bó với nhau như cặp song sinh. Tới tuổi trưởng thành, giống vật dù anh em không thành vấn đề. Chúng giao phối như bản năng, rồi đẻ ra mấy lứa con dễ thương….Bình thường, chúng cũng biết âu yếm, vuốt ve nhau thật “tình tứ”…Nhưng, vấn đề là ở đây: khi tôi ném vào chuồng một khúc xương. Tức thì, một trận chiến kịch liệt bùng nổ. Trận chiến tranh giành miếng ăn. Một sống hai chết. Coi như chẳng con nào nhường con nào. Ngay cả khi trước đó không lâu, chúng còn giao phối, gắn kết không rời. Chủ có đánh đòn, nhưng hai “anh chị” nhất quyết không rời.

   A ha! Trở mặt ghê thật. Quay lưng 360* luôn. Quá đểu luôn. Đểu như chó. Bầy chó con mấy tháng tuổi bắt đầu thể hiện cái “Zen” của bố mẹ chúng, cũng quá đểu luôn. Vừa đùa dỡn vô tư ngoài sân cỏ như Thiên Thần, mấy phút sau nhe răng như ác quỉ, cũng vì tranh ăn. A ha, thế đó! Trở mặt như chó. Chuyện chó là thế. Bởi vậy, tôi mới lấy tựa bài viết này là Chó ( nhưng kèm theo cái dấu chấm than ! to đùng). Than ôi, trở mặt như chó!

   Chuyện chó lan man sang chuyện người. Chẳng khác là bao. Cùng một kịch bản. Chỉ khác nhau dàn diễn viên. Một đàng là chó. Một đàng là người. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng hơn một lần làm diễn viên, hoặc chí ít cũng làm khán thính giả cho vở bi hài kịch này của nhân loại. Một bi hài kịch từ cổ chí kim. Muôn đời là thế.

   Chuyện trở mặt của con người còn kinh hãi, thủ đoạn tinh vi hơn chó nhiều. Bởi con người có trí khôn. Cái ác, một khi được hỗ trợ bởi cái trí khôn thì mức độ cái ác trở nên tàn độc hơn, mưu mô thâm hiểm hơn…Đã có biết bao chuyện đau lòng xẩy ra giữa những người thân máu mủ trong nhà với nhau, cũng chỉ vì cái khúc xương quyền lợi. Huynh đệ tương tàn. Ruột thịt cắt đứt. Những năm gần đây, những vụ án anh em tranh giành thừa kế tăng nhiều. Còn kiềm chế thì đưa nhau ra tòa, không thì lại chém giết nhau vì ba tấc đất…

   Qua bài viết này, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý :

      Đối với bậc cha mẹ, khi tuổi về già nên phân chia tài sản một cách rõ ràng minh bạch.  Bằng việc làm cụ thể trên thực tế, hay bằng cách lập bản di chúc. Khi lập di chúc, nên có sự tham khảo đông đủ các thành viên trong gia đình.  Nếu không có sự đồng thuận của các thành viên, cha mẹ nên quyết theo ý chí của mình trong sự công bằng, hợp tình hợp lý…

   Với anh chị em trong nhà, nên tránh chung chạ làm ăn. Khởi đầu hợp tác sản xuất kinh doanh bao giờ cũng vui, cũng đẹp. Nhưng theo thời gian, chính khúc xương quyền lợi sẽ phát sinh những mâu thuẫn…Hậu quả là mất anh, mất em. Ruột thịt chung việc chung mâm đã là khó, huống hồ có thêm dâu rể xen vào càng dễ tranh chấp…mất lòng. Vết thương đau nhất, khó lành nhất là những vết thương gây ra bởi chính người thân thương của đời mình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.


    Con chó không thể, không bao giờ trở thành con người. Nhưng con người rất có thể trở thành con chó, khi phần người đánh mất bởi “danh-lợi-thú”!!!

   Ngòi viết Hoài Mặc Giang hôm nay sao có vẻ đắng chát, trần trụi quá phải không quí bạn đọc? Nhưng “thuốc đắng giã tật”. Khi ta dám nhìn thẳng vào cái đắng đót cuộc đời, nhìn nhận nó như một thực tế không thể tách rời khỏi kiếp người, có lẽ trái đắng ta gặp, ta ăn sẽ không phải nhăn nhó, bàng hoàng.

-                                                              
-           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét