SÀI GÒN CÓ NHỮNG
TRÁI TIM
Sau ngày Đất Nước hòa bình thống nhất, vào cuối
thập niên 80, báo in còn đang là thời phát triển, rất thịnh hành với công
chúng. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, kiếm được ít tiền lo cơm áo, đáp
đổi qua ngày cho vợ con sống đã là may mắn lắm rồi, nên để có khoản tiền mua
báo hằng ngày là điều không thể với tôi. Cái niềm đam mê đọc sách báo đã ăn sâu
vào máu huyết tôi ngay từ thời còn trẻ, nên ngày nào không được cầm tờ báo
trong tay, thì thật bứt rứt khó chịu. Để thỏa mãn niềm đam mê, tôi đã làm một
việc bất đắc dĩ, trưa nào cũng lân la tới mấy quầy báo ở chợ quê, đọc”cọp”. Đọc
riết đến mức cô hàng bán báo, tỏ ra khó chịu cho cái gã “lì đòn”không sợ những
cái lườm nguýt của cô. Nhưng, thỉnh thoảng để thoa dịu cô hàng bán báo, mỗi tuần,
tôi cố dành dụm tiền lẻ để mua một tờ, nhưng đọc “cọp”thêm tới 2,3 tờ báo khác
nữa. Mỗi tờ báo lúc bấy giờ giá chỉ có 3,4 ngàn. Thời đó chưa có nhật báo,
nhưng một tuần ra 2 hay 3 lần thôi.
Nhật báo tôi thích là Tuổi Trẻ, Thanh Niên và
báo Công An TP HCM. Sau khi đọc hết những tin chính và những trang chuyên đề,
tôi luôn đọc trang phụ công bố danh sách những tấm lòng hảo tâm, bạn đọc xa gần
đóng góp cho Quỹ Từ Thiện. Danh sách những tấm lòng thơm thảo có khi đầy kín mấy
trang báo. Tôi đọc say mê như đọc truyện, những câu chuyện có thật giữa đời thường
bởi muôn vạn con người viết lên chung một tấm lòng nhân ái. Không phân biệt
giàu nghèo, danh sách có đủ mọi thành phần xã hội, từ em bé đến cụ già hay người
lao động vất vả. Đặc biệt có những người ủng hộ số tiền rất lớn nhưng ẩn danh.
Hầu như tuần nào cũng có đăng bài về những mảnh đời bất hạnh khốn cùng, tuyệt vọng
trước những thảm cảnh cuôc đời éo le, túng quẫn không còn lối thoát, họ chỉ còn
biết bấu víu, trông đợi vào lòng từ tâm của cộng đồng xã hội. Ngay sau khi bài
viết đăng tải (thường có kèm theo hình ảnh), là kỳ báo sau đã có bài tường thuật
sự giúp đỡ cụ thể từ phía các nhà hảo tâm. Trên danh sách của báo, tôi để ý, đa
số những tấm lòng hảo tâm là cư dân TP HCM. Chưa kể, có những người trực tiếp
tìm tới địa chỉ cần sự giúp đỡ, để tận tay trao tặng tiền hoặc hiện vật. Từ đó,
trong trái tim tôi, đã dành cho người dân TP HCM một sự trân trọng và cảm phục
về những nghĩa cử cao quí đó. Tôi đọc danh sách Qũi Từ Thiện bằng một cảm xúc dạt
dào khó tả, lâng lâng và hạnh phúc, cứ như mình cũng có trong cái danh sách
vàng ấy, dù chưa một lần đóng góp.Tôi vui. Tôi mừng. Vì những cảnh đời lầm than
đâu đó đã được bàn tay đồng loại giang ra cứu vớt, xẻ chia cơm áo. Lá lành đùm lá
rách.
Trên mặt báo là vậy.
Còn ngoài đời thường, tôi được biết những nhà hảo tâm TP HCM, có những hình thức
khác nhau, dù âm thầm lặng lẽ hay công khai. Từ những tổ chức thiện nguyện Tôn
Giáo hay một nhóm người tình nguyện, cùng nhau đóng góp, người góp của, kẻ góp
công, cùng nhau đi tới những nơi cần đến, để làm từ thiện. Trong những năm gần
đây, có một hình thức làm từ thiện vô cùng ý nghĩa và hiệu quả, đó là những Bếp
Ăn Từ Thiện tải các bệnh viện. Đây là một điểm đến đúng nghĩa, đúng địa chỉ nhất.
Có lẽ, tại bệnh viện là một nơi phơi bầy rõ nét nhất về nỗi khổ, niềm đau bất hạnh
của con người. Có thể nói, ở đó là nơi bến bờ cuối cho những phận đời đang đứng bên bờ vực thẳm tuyệt
vọng. Người bệnh lẫn người thăm nuôi luôn sống trong tâm trạng buồn thảm. Vì thế
những câu lạc bộ Bếp Ăn Từ Thiện như một sự hiện diện sống động nhất về tình
người. Một việc làm không nói lên lời, nhưng nói lên tất cả! Chẳng còn hình ảnh
nào về tình người đẹp hơn thế. Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng nhân
ái hiện diện nơi góc phố, ngõ hẻm mà ta không thể đong đếm được, không kể ra hết..
Tô vẽ thêm cho bức tranh đẹp về lòng nhân ái của cư dân TP HCM, ta cũng có thể
thấy, qua mạng Facebook, đã không ít những tấm lòng xẻ chia, những nghĩa cử cao
đẹp của cộng đồng, rất nhanh chóng và kịp
thời, khi có một trường hợp cần giúp đỡ được post lên mạng xã hội này, đúng với
danh nghĩa của nó
Khi đưa ra những nhận xét trên, không phải là
tôi không quan tâm đến những góc khuất đáng buồn, đầy nhức nhối, còn tồn tại
nơi thành phố đông dân và phức tạp nhất nước này. Cũng như bao người tâm huyết,
luôn quan tâm tới hưng vong của xã hội Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng,
tôi cũng đã rất đau lòng, nhói buốt trái tim khi đọc những tin về trật tự xã hội.
Ngày nào cũng vậy, chỉ cần lướt nhanh qua một vài tờ báo Online, đã thấy nhan
nhản những chuyện án hình sự, những tệ nạn xã hội xẩy ra trong thành phố…Chưa kể
những tập quán xấu của người Việt vẫn còn tồn tại, do trình độ dân trí thấp,
như việc xả rác, văn hóa ứng xử chưa được văn minh nơi công cộng vv…
Rất mừng cho một thành phố đang vươn lên, với dân số gần 10
triệu. Sài Gòn là một trung tâm văn hóa kinh tế kỹ thuật lớn mạnh nhất nước,
nhưng cũng đáng buồn là một thành phố với nhiều vấn nạn xã hội nhức nhối…Nhưng
nói như thế, không phải để chúng ta bi quan, có cái nhìn u ám về xã hội Sài Gòn
nói riêng. Nhưng Sài Gòn còn đó những trái tim chan chứa tình người, những nghĩa
cử cao cả hy sinh, đang dành nhiều thì giờ, tài lực để đóng góp, dựng xây cho cộng
đồng xã hội. Khi nhìn qua bức tranh toàn cảnh Sài Gòn, với gam màu sáng tối đan
xen, nhiều người đã bi quan yếm thế, chỉ có cái nhìn tiêu cực, kết án, co cụm lại
trước những điều ác…Nào có ích chi, khi ta chỉ biết khoanh tay đứng nhìn và
nguyền rủa bóng tối. Ngay từ hôm nay, bây giờ, mỗi người hãy thắp lên ngọn lửa,
dù mỗi người chỉ là một que diêm, một ngọn nến, cùng chung tay xua tan đi bóng
tối của lòng tham ích kỷ. Chúng ta nâng cao ý thức cộng đồng, qua ngôn ngữ ứng
xử và hành vi giao tiếp. Để góp phần xua tan đi gam màu xám, làm tăng gam màu
sáng của Sài Gòn, theo tôi, các bạn trẻ có một lợi thế rất lớn mạnh, đó là mạng
Xã Hội Facebook. Các bạn hãy mau mắn cổ vũ bằng commet, like cho những việc làm
tốt, đồng thời không chần chừ lên án những hành vi xấu…
Chúng tôi, những thế hệ U60, U50, chắc chắn
khó có thể được chứng kiến một Sài Gòn trong tương lai gần, hiện đại và thực sự
văn minh cả vật chất lẫn con người, như những thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc
vv…Nhưng, chúng tôi tin tưởng và lạc quan rằng, thế hệ con cháu mình sẽ thực sự
là những cư dân của Sài Gòn mai sau, được sống trong một thành phố văn minh hiện
đại, với những con người lịch sự và có văn hóa. Mong lắm thay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét