BỆNH…THAN
Xin nói ngay, đây không phải là bệnh than
theo nghĩa y khoa, một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính rất nguy hiểm, do vi khuẩn
Bacillus anthracis lây lan từ thú vật
sang người. Nhưng bệnh than tôi muốn đề cập ở đây là một thứ bệnh tâm lý, thường
xẩy ra hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội, nhưng vô tình nhiều người
không hay biết. Đó là bệnh… than thở.
Đã mang thân phận làm người, dẫu là quan hay
quân, thường dân hay quí tộc, ai cũng có những nỗi niềm riêng, tâm sự thầm kín.
Như nước tràn ly, nỗi buồn trong lòng mỗi
con người luôn luôn mong muốn được chia sẻ, cảm thông từ phía người thân hay bạn
bè. Nhu cầu được trút bầu tâm sự, đó là nhu cầu tâm lý tự nhiên và cần thiết để
con người tìm lại thế quân bình, xả stress cho mình. Tuy nhiên, khi ta mất kiểm
soát, không làm chủ bản thân, mỗi khi gặp chuyện buồn không đáng buồn, những bất
như ý nho nhỏ…mà ta cứ đi tìm người để “ỉ ôi” tâm sự một cách bừa bãi, thì khi
đó, không còn là một nhu cầu tâm lý chính đáng nữa. Nhưng đó là một tâm bệnh. Một
thói tật xấu. Một khiếm khuyết bản thân mà chúng ta cần phải loại bỏ bớt.
Trong quá khứ, trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn về kinh tế của thời bao cấp, vì quá cơ cực, tôi cũng đã từng trở thành con bệnh tội nghiệp của căn bệnh than thở hồi nào không hay, không kiểm soát được mình. Bây giờ bình tâm nghĩ lại, thật xấu hổ! Cũng may, nhờ có một lần đọc quyển sách “ Học Làm Người”, tôi mới tỉnh ngộ ra cái bệnh than thở là căn bệnh đáng ghét. Sao không đáng ghét, khi mà trong cuộc sống đời thường, ai mà chẳng trải qua những khó khăn gian khổ mới có miếng cơm manh áo. Đó là qui luật muôn đời của nhân loại. Đời chỉ có mình ta vất vả hay sao? Có ai kiếm tìm cơm áo mà không phải đổ mồ hôi? Thay vì tự hào về những giọt mồ hôi ý nghĩa của mình, thì ta lại than thân trách phận làm gì?
Thật là buồn cười và lố bịch, ai cũng có những
khó khăn vất vả riêng, những lo toan trăn trở của gia đình mình, chắc có lẽ chẳng
ai muốn gánh thêm những muộn phiền của người khác làm chi cho mệt lòng. Vậy mà,
nhiều khi, ta vẫn vô tâm “ép” người nghe những chuyện không muốn nghe, hoặc miễn
cưỡng nghe chỉ vì không muốn mất lòng ta, nghe vì tội nghiệp cho ta. Thậm chí,
vô hình trung, người nghe chẳng khác nào cái thùng rác, để ta trút bỏ vào đó đủ
mọi thứ rác thải hôi hám…Có bao giờ bạn đã trở thành con bệnh than thở chưa?
Than thân trách phận, tự bản thân nó đã là một biểu hiện của một con người thiếu
tự tin, thiếu bản lãnh. Người hay than thân trách phận là người yếu đuối, chỉ
mong sự bố thí thương hại từ người khác. Nhưng khi làm như vậy, thay vì họ được
chia sẻ thông cảm, thì họ sẽ chỉ nhận được một sự thương hại rẻ tiền mà thôi. Bạn
càng “ỉ ôi” than thở với người khác, không sớm thì muộn, họ sẽ dần xa lánh bạn
mà thôi. Than thở với người thân trong gia đình, quyến thuộc, hoặc với bạn thân
thiết, thì còn khả dĩ chấp nhận được. Nhưng khi ta đem chuyện riêng tư, than
thân trách phận với người ngoài xa lạ, thì quả là điều đáng trách. Có lẽ bạn
cũng như tôi, đã có đôi lần là nạn nhân cho những con bệnh thở than tìm đến để
trút bầu tâm sự, đôi tai bị “tra tấn” bởi những chuyện chẳng ăn nhằm gì tới
mình. Cảm giác thật khó chịu và bực bội phải không bạn? Vậy đó, bạn có muốn
mình cũng bị người khác chán ghét, bực bội với bạn như thế không? Nếu không, thì ngay từ bây giờ, bạn
hãy đoạn tuyệt ngay với căn bệnh xấu sa ấy. Bệnh than thân trách phận.
Than thở là
nhu cầu tâm lý của con người. Tự căn tính, nó không hẳn là
xấu. Nó chỉ xấu khi ta lạm dụng nó quá mức vào những nơi, những lúc không thích
hợp. Người khôn ngoan không than thân trách phận. Đó là nghệ thuật sống.
Chào anh,
Trả lờiXóaAnh cứ vào cuối bài nhấn vào chữ F màu xanh của Facebook là làm được thôi. JT đưa bài này lênbkhông biết có đúng ý anh không? Thân ái, JT