TÔI ĐI XE CHẤT LƯỢng CAO
Những
năm gần đây, chắc hẳn bạn đọc cũng như tôi, không ai còn lạ với những phương tiện
chuyên chở hành khách đường bộ rất hiện đại và tiện nghi, đó là những thương hiệu
Xe Giường Nằm Cao Cấp. Từ khắp ba miền đất
nước, từ thành phố này tới thành phố khác, hoặc từ những vùng nông thôn hẻo
lánh đi ra thành thị, trên tuyến đường nào, ta cũng có thể thấy những chiếc xe
giường nằm, ngày đêm chạy ngược xuôi, tấp nập. Mỗi tuyến đường, đều có những
thương hiệu xe giường nằm nổi tiếng với màu xe rực rỡ, bắt mắt…Hành khách tha hồ
có sự chọn lựa. Tuy nhiên, ngoài những tiện ích vật chất xe giường nằm mang lại
cho người đi thoải mái, thì có những chuyện phức tạp, phiền phức “cười ra nước
mắt”do chính những hành khách chung xe gây ra cho nhau.
Trong mấy năm qua, vì tôi mang bệnh thoái hóa
cột sống, nếu phải đi xa trên 100km, bắt buộc phải đi xe giường nằm, không còn sự chọn lựa
nào khác. Thế nên, tôi đã là nạn nhân và cũng là nhân chứng cho nhiều câu chuyện
đáng buồn, bởi những con người thiếu ý thức văn hóa, khi họ “nằm” chung xe.
Chuyện đáng buồn, đáng trách nhất theo tôi thường xảy ra trên xe khách( xe ghế
ngồi lẫn xe giường nằm), đó là chuyện cái điện thoại di động(ĐTDĐ). Người ta cứ
tự nhiên như chốn riêng tư ở nhà. Coi như xe là nhà mình. Không cần biết, không
quan tâm có bao nhiêu người đang bên cạnh mình, rất cần sự yên tĩnh cho một
hành trình xa đầy mỏi mệt…Mà đâu có phải, nói chuyện điện thoại dăm ba câu cần
thiết rồi thôi. Có những ông bà đại gia “hai lúa” miệt vườn phất lên nhờ cây
công nghiệp, nay có dịp nơi chốn đông người, bèn móc chiếc ĐTDĐ ra khoe của,
khoe con, “nổ” tung trời. Có những bà “xồn xồn”, ăn no rực mỡ, nói chuyện với bồ
nhí qua ĐTDĐ cứ như chốn phòng the. Chưa hết, có những ông quen thói gia trưởng,
ăn nói tục tĩu với vợ con ở nhà, ra ngoài, nơi công cộng như trên xe, nhưng vẫn
tục tĩu một cách thô bỉ… Đó chỉ là một vài những hành vi thiếu văn hóa điển
hình, thường diễn ra trên xe khách. Tâm lý những hành khách đi chung xe, khi gặp
những tình huống như thế, thường nhẫn nhục chịu đựng, không có phản ứng. Lên tiếng
sợ rắc rối.
Còn nữa, trên xe có những hành vi khó chấp nhận,
những người trẻ tuổi xài ĐTDĐ mở nhạc hip hop không cần dùng headphone, cứ vô
tư nhún nhảy theo điệu nhạc như chốn không người, không biết họ vô tình, hay
cho đó là một thể hiện đẳng cấp của mình là người hiện đại?. Đâu biết đó là
hành vi hại người?! Và, không ít lần, đôi tai tôi bị tra tấn bởi những bà khách
“tám chuyện”, hết chuyện nhà, chuyện thiên hạ cho tới chuyện trên trời dưới đất.
Khen thay mấy bà giai sức thật, “tám chuyện” với nhau suốt lộ trình mấy trăm
cây số mà không hết chuyện, không biết mệt. Những tình huống tôi vừa kể trên,
thuộc loại bề nổi của những ồn ào, bất lịch sự…tra tấn đôi tai. Nhưng có một lần,
có thể nói tôi đã gặp một tình huống rất ư là kinh hãi, nó tra tấn đôi mũi tôi.
Nó không ồn ào, nhưng mức độ làm ta khó chịu gấp nhiều lần. Bạn đọc đoán ra
chuyện gì không? Xin thưa, đó là đôi vớ đi giầy. Nhưng không phải là đôi vớ còn
mới tinh ở siêu thị. Nó là đôi vớ cũ dơ bẩn, hôi hám của một hành khách nam nằm
sau tôi. Tôi đang lim dim ngủ, tự nhiên ngửi thấy mùi gì lạ, thật hôi. Dáo dác
tìm. Ngoái cổ nhìn phía sau, thì ôi thôi, thủ phạm là đôi vớ của ông khách nằm
sau, gác chân lên đầu ghế của tôi.Vậy đó, nếu là bạn, thì bạn phản ứng ra sao?
Tôi đi xe giường nằm chất lượng cao. Nhưng,
những con người đi trên xe chưa được chất lượng! Tôi tin chắc, không chỉ riêng
tôi là nạn nhân của những hành vi kém chất lượng, thiếu văn hóa như trên. Đã có
rất, rất nhiều người chung số phận như tôi trên những chuyến xe khách, ngày đêm
ngược xuôi khắp nẻo đường Quê Hương. Với trình độ văn hóa còn khá thấp như ở Việt
Nam, việc thay đổi những thói tật xấu của người dân, khi tham gia phương tiện
giao thông công cộng, không phải dễ một sớm một chiều. Nên chăng, Bộ Giao Thông
Vận Tải, cần có một hướng dẫn cho các nhà xe, trang bị trong xe hệ thống loa, để
nhắc nhở hành khách biết ý thức, tôn trọng những quyền lợi tối thiểu của những
người đi chung xe. Kèm theo, là những tờ khẩu hiệu thể hiện nếp sống văn minh
được dán lên thành xe. Có như thế, hy vọng những hình ảnh xấu không đáng có, sẽ
giảm thiểu trên các chuyến xe khách.
Bài viết của tác giả thể hiện sự quan sát tinh tế,sắc bén, có giá trị thức tỉnh những con người ý thức mình sống chung với cộng đồng xã hội, chứ không phải sống trên hoang đảo. Giáo dục nhân bản đã bị bào mòn bởi xã hội hôm nay, nên để vực dậy một nền nhân bản sao cho con người thành "người" hơn thành "con" đòi hỏi cả một quá trình chứ không phải nhất thời mà được. Ai sẽ cứu lấy nền nhân bản của dân tộc ta?
Trả lờiXóa