Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

                         BỆNH…Nổ.
   Mỗi nền văn hóa dân tộc, qua mọi thời đại, đều có những từ “lóng”, phát xuất từ tầng lớp dân gian . Những từ lóng này diễn đạt hết sức dí dỏm, rất thật về một xu thế, hay thói tật, tính xấu của con người nơi xã hội thời đó.
  Ở Việt Nam ta, sau chiến tranh, với sự lạc quan, hồ hởi, người dân cả nước lao mình vào một cuộc đua đầy hấp dẫn. Cuộc đua kinh tế. Ai cũng muốn khẳng định mình là người thành đạt. Tất nhiên, trong vòng xoay đó, không thể không kể đến một lực lượng, đầy năng động, đầy khát vọng vươn lên. Đó là những người trẻ.
   Có khẳng định tất có cạnh tranh. Có cạnh tranh lành mạnh, nhưng cũng không thiếu những kiểu cạnh tranh chụp giựt, chơi trò bẩn…Và, cái miệng lưỡi là công cụ đắc lợi nhất cho cuộc chiến khốc liệt nơi thương trường. Ngày nay người ta thấy nhan nhản những nhân viên tiếp thị, nhiều như nấm sau cơn mưa, từ đô thị tới nông thôn hẻo lánh. Lời chào mời của Marketing cứ ngọt như mía, êm như sáo, rót vào tai khách mời. Sản phẩm không biết có hay không, nhưng ngôn ngữ tiếp thị thì khỏi phải bàn…Mọi sản phẩm đều nhất, đều cao cấp hết. Mắm tôm, mắm tép cũng có cao cấp. Như vậy là “nổ”. Bệnh nổ, không chỉ trong thương trường, mà còn lan truyền sang cả lãnh vực được coi là trung thực nhất là Y Tế và Giáo Dục. May ra còn lãnh vực Tôn Giáo là chưa lây nhiễm  chăng?
   Những năm gần đây, trong sinh hoạt hàng ngày, từ “nổ” đã rất phổ biến. Nổ từ nhà ra phố chợ. Nơi có nhiều “bom nổ” nhất là bàn nhậu. Dân nhậu thi nhau mà nổ, chẳng ai nhường ai. Nổ xùi cả bọt mép. Rượu vào lời ra trong cơn phấn khích, ta cũng có thể thông cảm cho bom nổ. Nhưng, điều đáng nói ở đây, là bom nổ nơi những người bình thường, tỉnh táo. Họ ba hoa phét lác đủ mọi thứ trên đời. Họ dùng ba tấc lưỡi để tô vẽ cho mình, cho cả người thân. Người ngoài cuộc nghe thấy, gọi đó là bom nổ.
   Nổ là một thói tật xấu. Theo S.Freud, nhà phân tâm học nổi tiếng người Đức, thì nổ là một hội chứng “phóng rọi” của bản thân con người. Khi một người cảm thấy mình bị khiếm khuyết , thua người khác ở tài năng và thành đạt, họ sống trong tự ti mặc cảm. Vô thức đã giúp họ giải phóng sự tự ti mặc cảm, để bù đắp lại khoảng trống thiếu hụt đó, bằng cách phóng rọi, hóa thân “copy” mình rồi “paste” qua một nhân vật nổi tiếng nào đó. Họ ca tụng ông A, ông B, nhưng thực ra là họ đang ca ngợi mình trong vô thức. Đúng là “Thùng rỗng kêu to”.

   Các bạn trẻ ơi! Thời đại hôm nay là của các bạn. Hãy khẳng định mình bằng tài năng, trí tuệ và bản lãnh của bạn. Đừng vay mượn hay ăn theo. Đừng copy. Đừng make up bản thân bằng những trận bom nổ. Càng nói nhiều, người ta càng tránh xa bạn. Nếu bạn không chữa trị căn bệnh “nổ bom”, thì xã hội sẽ Delete bạn ra khỏi sân chơi cuộc đời. Hãy đứng thẳng, và đi bằng chính đôi chân của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét